Danh Sách Top

Top 4 Loại bánh ngon nhất làm từ bột gạo nếp

Bánh ít trần

Bánh ít trần là món quà vặt của người dân miền Trung Việt Nam với ý nghĩa nổi bật của tên gọi này là “của ích, lòng nhiều”. Bánh có đôi phần giống như bánh nếp hay còn gọi là bánh rợm của người miền Bắc nhưng vẫn có những điểm đặc trưng rất riêng. Bánh ít trần nhân đậu xanh kết hợp với thịt lợn, mộc nhĩ và hạt tiêu được bao bọc bởi một lớp vỏ bánh làm từ bột gạo nếp dẻo dai nặn thành hình tròn. Khi ăn bánh ít trần thường dùng kèm với nước mắm chấm thật cay để cảm nhận rõ nét vị ngon độc đáo của món bánh từ vùng đất miền Trung này.


Nguyên liệu:


  • Phần vỏ:
    • Bột nếp: 300g
    • Nước ấm: 1 tô
    • Bột ngọt: 1/2 muỗng cf
    • Muối: 1/2 muỗng cf
  • Phần nhân:
    • Tôm thẻ: 100g
    • Thịt nạc dăm: 100g
    • Nấm mèo: 4 cái
    • Hành lá
    • Bột ngọt, muối, đường
  • Nước mắm và chanh để làm nước chấm.


Cách làm:


  • Bước 1: Làm bột – Bột nếp hòa với bột ngọt, muối và nước ấm, khuấy tan rồi để khoảng 20 phút cho bột nghỉ. Sau đó nhồi nhuyễn lại cho tới khi nào bột mịn, không dính tay nữa là được (Dùng tay cảm nhận nếu Bột nhão thì thêm bột, bột khô thì thêm nước).
  • Bước 2: Làm nhân
    • Tôm để vỏ (cho ngọt), xắt từng khúc nhỏ cỡ hạt lựu. Thịt băm hơi vụn. 
    • Hành xắt nhỏ. Nấm mèo ngâm nước ấm rồi rửa sạch, băm vụn.
    • Bắc chảo cho ít dầu, phi thơm hành, tiếp đó cho nấm, tôm, thịt vào xào thơm. Nêm thêm tiêu, muối, bột ngọt, đường, nếm thử vừa miệng là được. Tắt bếp nhắc nồi xuống.
  • Bước 3: Nặn bánh
    • Ngắt một cục bột nhỏ cỡ trái vải, vo tròn rồi ấn cho bẹp. Cho nhân vào giữa rồi gấp mí bọc kín lại. Xoa qua bên ngoài một chút dầu ăn hoặc mỡ. Làm lần lượt cho hết bột, hết nhân thì xếp vào xửng đem hấp cách thủy. Nhớ lót xửng bằng lá chuối bôi dầu để bánh khỏi dính.
    • Hấp 5 phút thì mở nắp để xửng bay bớt hơi. 15 phút là bánh chín.

Bánh Chay

Bánh chay cũng là một trong những loại bánh làm từ bột gạo nếp thường đi liền với bánh trôi vào dịp tết Hàn thực nhưng điểm khác biệt với bánh trôi là bánh chay có kích cỡ lớn hơn một chút, đường kính khoảng 3 đến 3,5 cm có phần nhân bánh bằng đậu xanh và khi ăn sẽ kèm với phần nước thắng từ đường gừng hoặc mật.

Nguyên liệu:


  • 500g bột gạo nếp
  • 50g bột gạo tẻ
  • 100g đậu xanh đã cà vỏ
  • Dừa nạo
  • 1 tsp nước hoa bưởi
  •  ½ tsp tinh chất vani
  • 2 thìa canh bột sắn dây
  • 150g đường


Cách làm:


  • Bước 1: Phần bột bánh chay ( bạn cũng có thể mua bột làm bánh trôi, bánh chay bán sẵn cũng rất tiện dụng)
    • Trộn đều bột nếp và bột tẻ thật đều trong một chiếc bát lớn
    • Từ từ đổ nước vào bột và khuấy đều để bột tan hoàn toàn.
    • Để bột lắng khoảng 3 tiếng cho bột tách thành 2 phần bột ở dưới và nước ở trên
    • Cho bột vào một chiếc khăn dày, buộc túm lại, treo lên để bột róc nước
    • Sau khoảng 1 tiếng, mở khăn ra kiểm tra nếu bột mịn, róc nước, không dính tay là chúng ta đã có thể bắt đầu làm bánh chay được rồi đấy!
  • Bước 2:Làm nhân bánh chay
    • Đậu xanh vo sạch, để ráo
    • Đậu ráo bạn đồ chín đậu. Cách nấu như nấu cơm.
    • Khi đậu xanh chín, bạn cho ra cối, giã nhuyễn hoặc dùng máy xay để tiết kiệm thời gian.
    • Xào đậu xanh đã giã với 50g đường.( hoặc có thể cho đường ngay lúc xay đậu)
    • Khi đường đã tan và ngấm đều vào đậu xanh bạn tắt bếp, thêm tinh chất vani vào trộn đều.
  • Bước 3: Nặn bánh
    • Vê đậu xanh thành từng viên tròn bằng ngón tay cái, vê bột thành viên to gấp đôi viên đậu xanh. Ấn dẹt viên bột, đặt viên đậu xanh vào giữa, miết bột phủ kín viên đậu xanh, dùng lòng bàn tay vê tròn viên bột. Các bạn lưu ý bột phải phủ kín đậu xanh nhưng các bạn cũng không nên vê quá kỹ, bánh sẽ dễ vỡ khi đun.
    • Thả bánh đã nặn vào nồi nước sôi, luộc đến khi bánh nổi và trong thì vớt ra thả vào bát nước lạnh.
    • Hòa tan bột sắn dây với 100g đường và nước, đặt lên bếp đun sôi sao cho hỗn hợp sắn dây sánh, lỏng thì tắt bếp, thêm nước hoa bưởi vào để tạo mùi thơm.
    • Bánh chay múc ra bát, thêm nước sắn dây. Có thể rắc thêm vài hạt đậu đã đồ chín hoặc vài sợi dừa nạo .

Bánh dày giò

Bánh dày là loại bánh quá quen thuộc với con cháu lạc hồng!Có lẽ vì vậy mà không ai trong chúng ta có thể quên đi hương vị của loại bánh này. Lúc trước làm bánh dày còn khá vất vả vì phải từ công đoạn lựa chọn gạo nếp đem ngâm, nấu xôi, giã nhuyễn để tạo thành phẩm nhưng giờ đây đã có các loại bột gạo nếp làm sẵn có thể giúp chúng ta đốt cháy các công đoạn mà hương vị bánh tạo ra vẫn ngon và hấp dẫn. Bánh dày có thể kết hợp với nhân đậu xanh hay bánh dày kẹp giò – mà ngay sau đây Toplist sẽ chia sẻ tới bạn cách làm vô cùng đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Bột nếp 200g
  • Bột gạo 20g
  • Sữa tươi không đường 200ml
  • Giò lụa 200g
  • Lá chuối


Cách làm:


  • Bước 1: Trộn hỗn hợp bột khô
    • Sử dụng một âu sạch, khô. Rây 2 loại bột thật mịn và cho vào âu trộn đều, sau khi trộn có thể rây lại lần 2 để giúp hỗn hợp đỡ bị vón cục hơn khi thành hỗn hợp ướt.
    • Đối với cách làm bánh dày từ xôi nếp thì chỉ dùng riêng gạo nếp thôi chứ không dùng gạo tẻ nhưng vì bột nếp đóng sẵn không có được độ dính dẻo dai như xôi nếp bình thường nên phải trộn thêm gạo tẻ để định hình cho bánh.
  • Bước 2: Làm hỗn hợp bánh – Dùng sữa tươi đổ vào trong âu và trộn đều. Sữa tươi sẽ giúp bánh được thơm hơn, nếu không có thì có thể sử dụng nước lọc cũng được. Dùng spatula trộn đều rồi dùng tay nhồi mạnh cho tới khi được một hỗn hợp bột trắng rắn không dính tay. Ở cách làm bánh dày đỗ thì phải nấu đỗ xanh và xát vụn nhưng ở đây mình dùng với giò nên chỉ giờ chỉ cần nặn bánh và hấp bánh là xong.
  • Bước 3: Nặn và hấp bánh
    • Rửa sạch và lau khô lá chuối. Cắt lá chuối thành những hình vuông bằng nhau rồi thoa lên lá chuối một lớp dầu ăn để chống dính với bánh. Lấy một ít bột viên ra tay rồi đè dẹt lại, dặt trên lá chuối. Thường thì độ dày của bánh tầm từ 1-1,5cm là vừa đẹp, nhớ canh bánh sao cho vừa với khuôn lá chuối đã cắt. 
    • Chuẩn bị một nồi nước hấp đã đun nóng sẵn, cho bánh vào và hấp tầm 7- 10 phút tùy vào độ dày của bánh là bánh sẽ chín.
    • Bánh khi mới ra lò thường mềm hơi nhũn và chảy; phải để cho bánh nguội hoàn toàn thì chất bánh sẽ săn dai ăn rất ngon. Bánh có hương vị thơm đặc trưng của bột nếp, ăn rất dẻo và ngon.
    • Cắt giò thành từng khoanh tròn dày khoảng 1cm rồi đặt giữa 2 lớp bánh dày rồi thưởng thức thôi nào.

Chỉ cần tầm 15 phút nấu và khoảng 30 phút để bánh nguội là mọi người đã có một món điểm tâm ngon tuyệt rồi đó. Chắc chắn với cách làm bánh dày tại nhà đơn giản như thế này thì các bạn sẽ thành công và có những bữa ăn thật ngon.

Bánh Trôi

Bánh trôi là món bánh truyền thống của Việt Nam trong ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm hay còn gọi là tết Hàn Thực, các gia đình người Việt sẽ chuẩn bị những đĩa bánh trôi thơm ngon trắng tròn hay ngũ sắc để lễ Phật, cúng gia tiên, bày tỏ lòng thành, hướng về nguồn cội, tiếp nối đạo đức “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ bao đời nay. Đặc biệt hơn nữa, những chiếc bánh trôi tròn trịa xếp cạnh nhau còn làm chúng ta liên tưởng tới sự tích “mẹ Âu Cơ và bọc trăm trứng”.


Nguyên liệu:

  • Bột gạo nếp: 500 g
  • Bột gạo tẻ: 50 g
  • Dừa nạo
  • Đường phèn
  • Vừng trắng
  • Muối

Cách làm:

  • Bước 1: Nhào bột bánh trôi
    • Tiến hành trộn bột tẻ với bột nếp theo tỷ lệ 1:4, tức là cứ 1 phần bột gạo tẻ trộn với 4 phần bột gạo nếp (tùy từng khẩu phần ăn mà bạn trộn sử dụng khối lượng nhiều hay ít).
    • Cho nước và ít muối vào hỗn hợp bột, trộn đều đến khi nào bột dẻo thành khối, mềm, không bị rơi vụn ra, không bị dính tay khi trộn.
    • Cuối cùng bọc bột lại rồi ủ trong 30 phút.
  • Bước 2: Làm nhân bánh
    • Cắt đường phèn thành những miếng nhỏ sao cho vừa với bánh.
    • Rang vừng trắng đến khi hạt vừng có mùi thơm thì tắt bếp, không nên rang vừng quá cháy
  • Bước 3: Tiến hành nặn bánh
    • Bạn lấy từng phần bột bánh đã ủ một rồi xoa thành hình tròn. Dùng ngón tay ấn vào giữa viên bột rồi đặt vào nhân đường. Sau đó, vê viên bột lại thật kín để bao lấy hết phần đường.
    • Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết bột và nhân. Xếp bánh trôi đã nặn ra đĩa.
  • Bước 4: Luộc bánh trôi
    • Đun một nồi nước sôi vừa đủ với lượng bánh muốn nấu. Khi nước sôi thả bánh vào. Đến khi nước sôi trở lại thì hạ nhỏ lửa.
    • Tiếp tục đun cho đến khi bánh nổi lên, vỏ bánh trong là bánh đã chín, để khoảng 15 giây rồi vớt ra, thả vào nồi nước đun sôi để nguội. 
    • Lưu ý: Không nên luộc bánh lâu quá dễ làm nát bánh
    • Dùng muôi có lỗ vớt bánh ra đĩa, rải đều để các viên bánh không bị đè lên nhau.
    • Rắc vừng, dừa nạo sợi lên trên bánh rồi thưởng thức.

Tags
Show More

Leave a Reply

Close